Hot News

08/09/2019

Những điều mà chỉ có sinh viên ngành luật mới hiểu

Ngành Luật luôn là ngành có một sức hấp dẫn riêng đối với không ít thí sinh. Tuy nhiên, có một số bí mật được bật mí từ các thế hệ sinh viên Luật đi trước để giúp đàn em hiểu rõ bản chất ngành Luật và học tập hiệu quả nhất. Cùng tham khảo để đưa ra cho mình lựa chọn đúng đắn nào.

1. Học luật không đơn giản là học thuộc

Hầu hết những điều băn khoăn của các bạn thí sinh khi muốn học ngành Luật là khó khăn khi phải học thuộc lòng tất cả các điều khoản trong các điều luật, bộ luật. Thực tế, Luật thường xuyên có sự thay đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển của đời sống, xã hội, nên việc học thuộc một cách cứng nhắc tất cả là điều không thể. Nhưng có một điều bạn bắt buộc phải học và nắm vững đó là nguyên tắc và cách áp dụng luật hay còn gọi là Tư duy pháp lý. Nghĩa là khi gặp một tình huống, bạn biết cách tra cứu điều luật phù hợp và áp dụng vào tình huống một cách hợp lý nhất.

2. Không có đam mê, khó có thể thoải mái khi học luật

Dù là bất cứ ngành nghề nào, để đạt được thành công cũng cần phải có sự yêu nghề, đam mê. Nếu bạn có một tính cách trầm mặc, nhưng lại lựa chọn ngành luật vì các lý do ”ba mẹ mong muốn con cái học ngành Luật”, “nhà có người làm nghề luật”, “ngành luật đem lại thu nhập cao” mà bỏ qua sở thích cá nhân, bạn có thể không thoải mái khi học ngành này. Không chỉ đơn thuần học thật tốt kiến thức được truyền tải, bạn cần phải có khả năng giao tiếp tốt, thuyết trình, trình bày vấn đề, tự tin trong tranh luận vấn đề để đem lại kết quả tốt nhất. Với tính cách ngại giao tiếp cộng với khối lượng kiến thức luật pháp khô khan, sẽ khó khăn và dễ dẫn đến chán nản khi bạn tham gia học ngành này.

ngành luật kinh tế 2

3. Không giỏi ngoại ngữ, sinh viên ngành Luật vô cùng thiệt thòi

Những tưởng học ngành Luật tại Việt Nam thì bạn không cần thiết phải giỏi ngoại ngữ. Thế nhưng đó là suy nghĩ sai lầm đấy. Ngoài luật pháp Việt Nam, bạn cần phải nắm Luật pháp Quốc tế để có thể tư vấn trong những vụ án mang yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, việc am hiểu luật pháp kinh tế của các nước đang trở nên cần thiết. Nếu không biết ngoại ngữ, sẽ là một thiệt thòi với bạn trong nghiên cứu tài liệu pháp lý cũng như hạn chế cơ hội việc làm khi ra trường.

4. Học luật là chỉ làm nghề luật sư?

Trong ánh mắt học sinh phổ thông đang đứng trước ngưỡng cửa đại học thì học ngành luật với mục đích trở thành một Luật sư thực thụ. Nhưng có tham gia học ngành Luật mới biết, có vô số cơ hội dành cho sinh viên ngành Luật bên cạnh nghề Luật sư. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể thực hiện các công việc như tư vấn pháp lý tại các cơ quan, tổ chức pháp luật; thực hiện các văn bản, đảm nhiệm công việc trao đổi về hợp đồng kinh tế sao cho phù hợp với luật pháp tại các doanh nghiệp; Tham gia giảng dạy ngành luật tại các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Luật,…

Dao tao nganh luat kinh te la hoc nhung gi 2

5. Kỹ năng thực tế – một trong những chìa khóa nắm vững kiến thức Luật

Sự khô khan của các điều khoản, điều luật trong các bộ luật sẽ thực sự nhàm chán nếu ta chỉ biết học thuộc với tiêu chí thuộc càng nhiều càng tốt. Dù biết nắm vững kiến thức luật pháp là tốt nhưng đó không phải là cách hay. Nếu đã lựa chọn học ngành Luật, các bạn hãy mạnh dạn tham gia, tham dự các phiên tòa giả định được tổ chức và tập xử lý tình huống. Bên cạnh đó, sinh viên ngành Luật cần phải thường xuyên đọc tạp chí chuyên ngành và suy nghĩ hướng tiếp cận cũng như giải quyết vấn đề được đưa ra. Tất cả những điều đó không chỉ tạo kỹ năng áp dụng thực tế cho sinh viên mà “Trăm hay không bằng tay quen”, kiến thức sẽ tự động chui vào đầu chúng ta một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.

Những bí kíp trên đã phần nào giải đáp không ít thắc mắc trong đầu các bạn thí sinh. Nếu cảm thấy phù hợp, đừng ngần ngại hãy lựa chọn cho mình một môi trường tốt nhất để tham gia học ngành Luật nhé!

Các tin liên quan