Các hoạt động

04/05/2021

Tọa đàm: pháp chế doanh nghiệp

TỌA ĐÀM

PHÁP CHẾ DOANH NGHIỆP

– NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG CƠ BẢN –

Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác 02 năm 2020 – 2021 giữa Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội và Viện Kinh tế – Pháp Luật quốc tế, ngày 28 tháng 4 năm 2021, tại Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội, Tọa đàm “Pháp chế doanh nghiệp – Những kiến thức và kỹ năng cơ bản” được tổ chức dưới sự chủ trì của Viện Pháp luật Kinh tế và sự tham gia của Th.s LS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P Việt Nam, Phó trưởng Ban Pháp luật Viện Kinh tế – Pháp luật quốc tế cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội.

Tới tham dự Tọa đàm, về phía Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế có TS Đinh Ngọc Dương, Trưởng ban Đào tạo của Viện Kinh tế – Pháp luật quốc tế. Về phía Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội có: TS. Hoàng Văn Tưởng, Viện trưởng Viện Kế toán Kiểm toán; Thạc sĩ Ngô Đức Giang, Phó Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh; Th.S Nguyễn Phương Nga, Phó Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng và một số giảng viên của Viện. Viện Pháp luật Kinh tế – với tư cách là đơn vị chủ trì buổi Tọa đàm – có sự tham dự của TS Nguyễn Thị Thu Vân, Phó viện trưởng; Th.s Vũ Thị Toán, Trưởng bộ môn Pháp luật cơ sở và các cán bộ, giảng viên của Viện.

Sự tham gia của đại diện các đơn vị cho thấy sự quan tâm lớn mà Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội dành cho các sinh viên ngành Luật Kinh tế nói chung và tập thể cán bộ, giảng viên Viện Pháp luật Kinh tế nói riêng.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân đã có những chia sẻ về mục đích và nội dung chính của Tọa đàm. Tiến sĩ nhấn mạnh, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế của Trường ĐH Tài chính Ngân hàng HN nhằm mục tiêu cung cấp cho xã hội những cử nhân có trình độ chuyên sâu về Luật Kinh tế, để những cử nhân tương lai này tham gia một cách tích cực vào thị trường lao động nói chung, trong đó – ngoài các vị trí công việc có tính chất truyền thống tại các cơ quan nhà nước, Tòa án, Viện kiểm sát, Văn phòng công chứng, cơ quan thi hành án v.v… – thì còn có các vị trí công việc đầy tiềm năng tại hơn 600 ngàn doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội được thiết kế theo hướng cung cấp cho sinh viên không chỉ những nền tảng kiến thức về ngành luật nói chung mà còn tập trung đào tạo và rèn luyện cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng liên quan trực tiếp đến vị trí công việc của cử nhân luật sau này nếu họ lựa chọn con đường phát triển nghề nghiệp của mình trong doanh nghiệp; vị trí công việc đó là trở thành chuyên viên làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, với sự hợp tác của Viện Kinh tế – Pháp luật quốc tế nói chung và sự hỗ trợ của cá nhân Luật sư Nguyễn Tuấn Anh nói riêng, Tọa đàm “Pháp chế doanh nghiệp – Những kiến thức và kỹ năng cơ bản” kỳ vọng sẽ mang lại cho sinh viên những hình dung cụ thể về công tác của một người làm pháp chế tại doanh nghiệp, những kiến thức quan trọng không thể thiếu và những kỹ năng cơ bản cần hoàn thiện, từ đó, sinh viên có được những thông tin cần thiết khi lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp của mình khi ra trường.

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và sinh viên Viện Pháp luật Kinh tế

Tiếp nối phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, TS. Đinh Ngọc Dương đồng ý rằng làm “Pháp chế doanh nghiệp“ đã dần dần trở nên phổ biến trong tư duy của sinh viên Luật. Tuy nhiên những vấn đề thực tế liên quan đến nghề “pháp chế” thì với nhiều bạn còn khá mơ hồ. Cụ thể làm “pháp chế” là làm những công việc gì? Nghề “Pháp chế” khác nghề Luật sư tại công ty Luật ở điểm gì? Những người làm pháp chế cần kiến thức và kỹ năng như thế nào? Đó là một trong những nội dung mà chỉ những người đã thực sự làm nghề mới thấu hiểu và có thể chia sẻ. Vậy nên Tiến sĩ Đinh Ngọc Dương cho rằng, việc Viện Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế – Pháp luật quốc tế tổ chức Tọa đàm “Pháp chế doanh nghiệp – Những kiến thức và kỹ năng cơ bản” là rất cần thiết.

TS. Đinh Ngọc Dương phát biểu tại Tọa đàm

Ở nội dung được rất nhiều các bạn sinh viên đón đợi, diễn giả của chương trình Th.S LS Nguyễn Tuấn Anh đã có những giới thiệu rất cụ thể về sự khác nhau giữa Luật sư của công ty luật và người làm pháp chế trong doanh nghiệp, cơ hội thăng tiến của nghề pháp chế, mô tả chi tiết công việc của người làm chuyên viên pháp chế trong doanh nghiệp, những kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết cho người làm pháp chế doanh nghiệp.

Th.s LS Nguyễn Tuấn Anh trao đổi tại Tọa đàm

Trong phần chia sẻ của mình, cách thức tư duy pháp lý theo mô hình IRAC cũng được Th.S LS Nguyễn Tuấn Anh giới thiệu và nhấn mạnh. Những trải nghiệm, câu chuyện mà LS đưa ra để lại ấn tượng sâu sắc đối với các bạn sinh viên. Đặc biệt, với câu chuyện “Mua cam có thể phân định được ai sẽ là người được thăng cấp”, LS Nguyễn Tuấn Anh đã truyền tải thành công bài học về “giá trị của thái độ làm việc” cho các bạn sinh viên Luật Kinh tế. Đọng lại cho những người tham gia buổi Tọa đàm đó là chia sẻ rất súc tích của diễn giả “Work smart, don’t work hard”.

Qua nội dung trình bày của diễn giả, phần giao lưu với khách mời được các bạn sinh viên ngành Luật kinh tế của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng. Những băn khoăn của các bạn về cơ hội thực tập; cách thức ứng tuyển, trả lời phỏng vấn; về những trải nghiệm, khó khăn của chính diễn giả… cho thấy ý thức nghề nghiệp cao của sinh viên ngành Luật Kinh tế. Tin chắc rằng với những sẻ chia rất chân tình, cởi mở của diễn giả và các thầy cô tại buổi Tọa đàm, hình dung của các bạn về nghề “pháp chế doanh nghiệp” đã rõ ràng hơn, tình yêu với nghề đã dần hình thành.

Th.S Lưu Đức Tân phát biểu chia sẻ tại Tọa đàm

Th.S Ngô Đức Giang trao đổi tại tọa đàm

TS. Hoàng Văn Tưởng tới tham dự Tọa đàm

Phát biểu của sinh viên Xuân Đức Lớp D08.38.01

Phát biểu của sinh viên Lan Anh Lớp D09.38.01

Phát biểu của sinh viên Lê Phương Lớp D09.38.01

Buổi Tọa đàm kết thúc để lại nhiều cảm xúc cho các bạn sinh viên Luật kinh tế. Hy vọng là từ Tọa đàm này, các bạn sinh viên sẽ có những định hướng cụ thể hơn về lộ trình nghề nghiệp của mình, có thêm quyết tâm để kiên trì trên con đường mà mình đã chọn.

Nguyễn Thị Thu Hương

Các tin liên quan