Ngày 25/4, Viện Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội tổ chức hội thảo: Vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử hiện nay: Thực trạng và giải pháp.
Hội thảo nhận được 15 tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, thạc sỹ luật học chuyên về thương mại điện tử. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của một số Trưởng, Phó phòng ban thuộc Cục Thuế, Cục Hải quan, cơ quan báo chí, giảng viên chuyên nghiên cứu và tiếp xúc trực tiếp với hoạt động thương mại điện tử.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận về thực trạng pháp luật, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử nhìn từ góc độ thực tế và kinh nghiệm của quốc tế về các chế tài liên quan đến vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh: Vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử hiện nay tại Việt Nam ở 2 hành vi gây bức xúc trong dư luận, đó là sử dụng nền tảng thương mại điện tử quảng cáo, bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại… Và, hành vi trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử gây ảnh hưởng đến ngân sách và nền kinh tế.
Theo Phó Giáo sư, vụ sữa giả và thuốc giả chấn động dư luận, bức xúc xã hội có “công lớn” của thương mại điện tử. Đó là sử dụng nền tảng xã hội để quảng cáo sữa; bán sữa; thuốc giả qua mạng… Chiết khấu cao cho các đại lý. Vậy, việc chiết khấu như thế, có dấu hiệu của hành vi trốn thuế…

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Minh chỉ ra 6 thủ đoạn chính của tội phạm lừa đảo trong thương mại điện tử gồm: 1) Giả mạo website thương mại điện tử uy tín, gửi tin nhắn qua SMS, email hoặc mạng xã hội dụ người dùng truy cập và mua hàng. Khi người tiêu dùng thanh toán, tiền trong tài khoản sẽ bị chiếm đoạt mà không hề được hàng. 2) Dụ người dùng các nền tảng xã hội nhận nhiệm vụ “đặt hàng ảo” để tăng doanh số ảo cho sàn thương mại điện từ, hứa hẹn hoa hồng cao. Sau vài lần trả hoa hồng để lấy lòng tin, đối tượng yêu cầu người dùng chuyển số tiền lớn, sau đó chiếm đoạt và cắt liên lạc. 3) Giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử hoặc ngân hàng gọi điện thông báo trúng thưởng, hoàn tiền, yêu cầu xác minh thông tin cá nhân hoặc cung cấp OTP, thông tin thẻ tín dụng, dẫn dụ người dùng cài ứng dụng giả mạo, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. 4) Các đối tượng đăng bán hàng trên sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội sử dụng tài khoản Facebook, Zalo… để đăng tải bán hàng giá rẻ với hình ảnh bắt mắt, giá rẻ bất thường; tìm cách dụ dỗ người tiêu dùng vào các giao dịch mua bán hàng giả hoặc không có thật, sau đó yêu cầu người mua chuyển khoản trước khi người mua nhận hàng thì là hàng giả, hàng kém chất lượng, không đúng mô tả. Khi đó, đối tượng sẽ cắt liên lạc. Các đối tượng thường quảng cáo các sản phẩm giảm giá, khuyến mại hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng. Người tiêu dùng chuyển tiền đúng với giá mua, nhưng nhận hàng là hàng hóa giả, nhái, không đúng cam kết để giao… 5) Hack tài khoản của người bán/người mua bằng cách dùng mã độc, lừa lấy thông tin đăng nhập, chiếm đoạt tài khoản. Sau đó, tội phạm thực hiện các giao dịch gian lận hoặc lợi dụng uy tín tài khoản để lừa đảo người khác. 6) Hợp đồng với người nổi tiếng, quảng cáo công dụng của hàng hóa, sản phẩm “lên giời” để người tiêu dùng tin tưởng, “thần tượng” người nổi tiếng mua hàng, mà là hàng giả như vụ sữa, thuốc giả vừa qua. Nếu không có sự quảng cáo với công dụng “lên trời”, sự tiếp tay của bác sỹ ở phòng mổ, kê đơn cho người nhà bệnh nhân mua sữa, mua thuốc thì người tiêu dùng sao biết để mua…

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Minh, người nổi tiếng quảng cáo vì thấy sản phẩm đó được cấp phép, đủ giấy tờ nên nói là tiếp tay bán, phân phối hàng giả, gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý hình sự… thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mới có thể xử lý hình sự. Nhưng, phạt vi phạm hành chính lỗi quảng cáo quá sự thật, làm khách hàng ngộ nhận sản phẩm, hàng hóa đó tốt thật, có công dụng “tức thì” là đúng. Còn chủ các đại lý bán hàng, phân phối hàng giả thì sao? Họ bị phạt vì lỗi vô tình hay cố ý; bị phạt vi phạm hành chính thì chắc chắn rồi nhưng còn xử lý hình sự thì cũng phải tùy từng trường hợp. Nếu biết là hàng giả, vẫn nhận bán, phân phối để thu lời bất chính thì xử lý hình sự không oan…
Nhận định về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, Phó Giám sư Minh phân tích: Pháp luật hiện hành chưa theo kịp sự phát triển, hành vi vi phạm của tội phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Cần có các quy định mới để điều chỉnh hành vi gian lận thương mại, lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp…
Tiến sỹ Luật học Lưu Thị Tuyết, Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển tham luận: Bên cạnh quy định về chế tài hành chính, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định từ Điều 192 đến Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tùy thuộc từng trường hợp mà cá nhân có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, phạt tù chung nhân; pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 3 năm. Tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, cá nhân có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm, phạt tù đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 3 năm.

Tiến sỹ Tuyết cho biết: Tuy quy định của pháp luật hình sự khá đầy đủ và chặt chẽ, hình thức chế tài nghiêm minh nhưng việc xác định hành vi vi phạm là tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay là tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong một số trường hợp còn khó khăn… Những hành vi sản xuất hàng giả như vụ sữa, thuốc vừa qua thì rõ ràng rồi, nhưng một số trường hợp, xác định cụ thể tội nào còn là sự tranh cãi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Kinh nghiệm quốc tế về chống hàng giả trong thương mại điện tử
Theo thống kê tịch thu quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ năm 2024 của Cục Hải quan và Biên phòng (CBP), từ năm 2020 đến năm 2024, tổng số hàng hóa bị tịch thu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (hàng giả) đã tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2024, CBP đã thu giữ 32.363 triệu sản phẩm hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, cao điểm nhất là năm 2021 với 50.589 triệu sản phẩm, hàng hóa bị tịch thu. Ngoài việc tịch thu, CBP còn thực hiện 99.959 hành động thực thi thay thế, chẳng hạn như tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm.
Để đối phó với tình trạng hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử, Cục An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã đề xuất 10 hành động khẩn cấp và 10 thực hành tốt nhằm tăng cường trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử trong việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Mỹ cũng thực hiện các chiến dịch truy quét và bắt giữ các đối tượng liên quan đến buôn bán hàng giả. Cụ thể, tại New York, giới chức đã bắt giữ hai người bị cáo buộc buôn lậu hàng nghìn món hàng hiệu giả với giá trị bán lẻ ước tính hơn 1 tỷ USD, được xem là vụ buôn bán hàng giả lớn nhất từ trước tới nay ở Mỹ. Các hành vi buôn bán hàng giả tại Mỹ bị áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm, bao gồm án tù và phạt tiền đáng kể.

Pháp luật Hoa Kỳ cũng quy định rất rõ về quyền được thông tin của người tiêu dùng và nghĩa vụ phải thông tin của người bán về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong môi trường thương mại điện tử. Các thông tin ở đây bao gồm 2 loại chính là thông tin về người bán bán và thông tin về sản phẩm.
Theo đó, thông tin về người bán được quy định tại mục 45f Đạo luật INFORM (Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ 27/6/2023 tại Hoa Kỳ). Đạo luật yêu cầu các thị trường trực tuyến phải thu thập và xác minh thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin liên hệ và thông tin ID thuế từ những người bán là bên thứ ba có khối lượng lớn bán sản phẩm tiêu dùng thông qua nền tảng của các thị trường trực tuyến đó và phải tiết lộ cho người tiêu dùng thông tin nhận dạng của một số người bán.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024, riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 3.400 vụ, trong đó riêng lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) xử lý 1.256 vụ, xử phạt vi phạm hàng chính trong năm 2024 đạt con số lớn với khoảng 1,9 triệu USD, trị giá hàng hóa tịch thu, xử lý khoảng gần 2 triệu USD.
“Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, làm giảm uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng với sản phẩm”, theo ông Nguyễn Thanh Bình.
Minh An