Nghiên cứu

09/11/2021

Thư mời: TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG

Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội

TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG

 Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2021

Các Thầy, Cô, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường kính mến !

Lời đầu tiên, Ban biên tập Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội xin gửi tới các Thầy/Cô, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường lời CHÚC MỪNG NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/2021).

Sau hơn 10 năm thành lập, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học; có nhiều thành quả trong nghiên cứu khoa học, có thể ứng dụng trong thực tiễn quản lý kinh tế – tài chính, trong đó có việc xuất bản Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng (chỉ số ISSN: 2734 – 9543). Nhiều Thầy, Cô, nhiều nhà khoa học và nhiều chuyên gia, giáo viên trong và ngoài trường đã tham gia viết bài cho các chuyên mục như: kinh tế – luật, tài chính – ngân sách, tiền tệ – tín dụng, quản trị kinh doanh, kế toán – kiểm toán và công nghệ thông tin…

Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng có chức năng thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành tài chính, ngân hàng; công bố, phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường cho các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài trường.

Để Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng là nơi tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa là diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học, là nơi quảng bá, phổ biến và trao đôi kiến thức, nghiệp vụ chuyên  môn… góp phần nâng cáo chất lượng đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh, Tạp chí Khoa học Tài chính Ngân hàng kính mời các Thầy/Cô, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường tham gia viết bài cho Tạp chí

I. Các bài đăng sẽ đăng trên các số của Tạp chí Khoa học Tài chính- Ngân hàng cần tập trung vào một số chủ đề, với những gợi ý sau:

1/ Lĩnh vực Tài chính: cơ cấu lại ngân sách nhà nước; các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn Nhà nước; chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; chính sách tài chính (giãn, giảm thuế, phí và lệ phí …) tháo gỡ khó khăn người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19; nguồn lực cải cách tiền lương theo hướng Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII …

2/ Lĩnh vực Ngân hàng: điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân; tín dụng hỗ trợ người dân và doanh  nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh covid – 19; tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; ngân hàng số; hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; thanh toán không dùng tiền mặt …

3/ Lĩnh vực Kế toán: tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp; kế toán quản trị tại doanh nghiệp; chuẩn mực kế toán công; áp dụng chuẩn mực báo cáo kế toán quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; kế toán trách nhiệm; …

4/ Lĩnh vực Kiểm toán: chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu …

5/ Lĩnh vực Quản trị kinh doanh: phát triển thương mại điện tử; quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới; quản trị doanh nghiệp tại các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực quốc tế; phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối; xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác thị trường nội địa và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam …

6/ Lĩnh vực Luật kinh tế: pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, kiểm tra chuyên ngành, nhất là trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, tín dụng, đất đai, môi trường, thương mại, quản lý thị trường; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đăng ký biện pháp bảo đảm…

7/ Lĩnh vực Công nghệ thông tin: ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo; khung khổ pháp lý cho kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật; chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hạ tầng mạng thông tin di động 5G; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin , điện tử – viễn thông …

8/ Lĩnh vực Ngoại ngữ: Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo; dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ; dạy tích hợp ngoại ngữ trong các môn học khác…

9/ Một số chuyên ngành khác: tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho sinh viên; bảo đảm an toàn trường học…

Ngoài những chủ đề nêu trên, các Thầy/Cô, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường chủ động lựu chọn những nội dung thích hợp để chuẩn bị bài viết cho Tạp chí.

II. Về cấu trúc của bài viết: gồm: i) Vấn đề nghiên cứu; ii) Lý thuyết nghiên cứu; iii) Phương pháp nghiên cứu; iv) Đánh giá và phân tích kết quả và v) Tài liệu tham khảo (nếu có)

III. Tiến độ triển khai thực hiện:

Thời hạn gửi bài viết cho Tạp chí chậm nhất là ngày 31/12/2021. Hội đồng biên tập của Tạp chí sẽ họp thẩm định các bài viết trước khi xuất bản.

Đề nghị các Thầy/Cô, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường gửi bài viết về địa chỉ: phamphandung57@gmail.com hoặc: Tiến sỹ Phạn Phan Dũng, Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, 136 Phạm Văn Đồng, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Kính mong các Thầy/Cô, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường quan tâm, hưởng ứng, đóng góp trí tuệ của mình để có bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng và coi đó là một công trình nghiên cứu khoa học của mình đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước./.

Kính thư

T.S. Phạm Phan Dũng

Tổng Biên tập

Tạp chí Khoa học Tài chính – Ngân hàng.

Các tin liên quan