Chỉ còn 3 tháng nữa là các bạn học sinh THPT bước vào kỳ thi căng thẳng, quyết định tương lai của bản thân, việc chọn học ngành gì và học như thế nào để ra trường có một công việc như ý là vấn đề được các sĩ tử cũng như các bậc phụ huynh quan tâm và trăn trở nhất.
Chọn ngành gì? Chọn như thế nào?
Trong tuần vừa qua Trường Đại học FBU đã nhận được rất nhiều các câu hỏi từ các bậc phụ huynh và học sinh THPT như: Ngành nào phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại? Có phải các bệnh viện hiện nay đang thiếu rất nhiều Điều dưỡng viên? Em có sở thích khám phá và trải nghiệm thì học ngành du lịch đúng không? Em thấy nhiều người học đại học xong chưa xin được việc ngay, làm thế nào để em không rơi vào trường hợp ấy? Em có nên lựa chon ngành học theo sở thích hay không?
Giải đáp những băn khoăn của các em học sinh, Trường Đại học FBU chia sẻ: “Chỉ khi nào các em học sinh chọn ngành nghề vì bản thân yêu thích nhất, mong muốn hướng đến nhất, thì khi đi làm các em mới có một tâm thế thoải mái nhất, hứng khởi nhất để làm việc”. Trường Đại học FBU cũng chia sẻ thêm: “sau khi đã xác định được ngành mình thích là việc lựa chọn trường đại học đào tạo có thế mạnh và chất lượng, học phí phù hợp với điều kiện gia đình để việc học không trở thành gánh nặng thì khi đó các em mới có động lực, đam mê để cố gắng học tập tốt và thành công”.
Ngoài việc lựa chọn ngành theo sở thích thì phụ huynh và học sinh cần nắm bắt xu thế phát triển các ngành nghề trong xã hội để lựa chọn. Ví dụ, các ngành đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn đáp ứng yêu cầu thay sách giáo khoa và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như: Giáo viên các môn Toán, Lịch sử – Địa lý, Khoa học Tự nhiên, Tin học … Hoặc các ngành phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xã hội của các địa phương như: Quản lý xã hội (Chính trị học), Quản lý văn hóa, quản lý đất đai, Lâm sinh, Chăn nuôi – Thú y, Công tác xã hội, Khoa học cây trồng, …
Đối với các bạn học tốt khối tự nhiên, các bạn có thể chọn các ngành như Y, Dược, Điều dưỡng, … vì đây là những ngành chưa bao giờ trượt khỏi TOP 1. Hoặc lựa chọn khối ngành kinh tế như: Kinh tế đầu tư, Kinh tế nông nghiệp, Kế toán… đều là những ngành học “đáng đồng tiền bát gạo” trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi tốt nghiệp sinh viên dễ tìm kiếm vị trí việc làm ở các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Thậm chí các bạn thừa khả năng tự khởi nghiệp hoặc quản lý, tổ chức một cơ sở sản xuất kiểu gia đình và mở rộng mô hình kinh tế.
Hiện nay ngoài hệ thống các trường công lập thì các trường tiểu học, mầm non hệ dân lập, tư thục, các trường song ngữ mở ra ngày càng nhiều. Do vậy, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học và mầm non là rất rộng mở.
Đối với một số bạn có sở thích với máy tính và công nghệ thì ngành Công nghệ thông tin là ngành học đáng dấn thân, bởi trước hết đó là ngành không thể thiếu trong kỷ nguyên số hiện nay, thêm vào đó nhu cầu đội ngũ giáo viên tin học để đáp ứng việc dạy tin học từ lớp 3 theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất lớn, mở ra vô số cơ hội việc làm cho sinh viên theo đuổi ngành này.
Nhìn chung bài toán chọn ngành chưa khi nào là dễ, cũng rất ít trường hợp may mắn kiếm được việc làm ưng ý khi chỉ “nhắm mắt chọn đại”. Vì vậy, khi chọn ngành nghề cần lưu ý logic: chọn nghề, chọn ngành rồi chọn trường… Bạn phải biết mình có thể làm nghề gì, bạn thích làm gì, bạn muốn trở thành một người như thế nào? Việc chọn nghề có thể cân nhắc một số yếu tố: điều kiện thuận lợi của mình, dự báo nhu cầu của xã hội, sở thích và ưu thế của bản thân có phù hợp với nghề mình thích hay không. Sau cùng, với ngành đã xác định, trường nào có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cùng với những điều kiện ưu đãi khác sẽ là căn cứ quan trọng để giúp bạn tự tin lựa chọn và đăng ký dự tuyển. Hãy nhớ rằng, tất cả các bằng cấp đều có giá trị pháp lý và giá trị sử dụng ngang nhau. Điều quan trọng là sau khi trúng tuyển bạn sẽ học như thế nào để có đủ kiến thức, kỹ năng và sau khi ra trường thuyết phục được các nhà tuyển dụng.
Khi đã chọn được ngành học, cần phải học như thế nào?
Để tấm bằng cử nhân không trở nên uổng phí hay những kiến thức của 4 năm học đại học ứng dụng được vào công việc sau này thì người học vẫn đóng vai trò quyết định. Do đó, dù học đúng ngành nghề mình thích, thuộc ngành “HOT” của xã hội thì ngoài việc tập trung cho kiến thức chuyên môn các bạn cũng cần thành thạo tin học, biết ngoại ngữ và có kỹ năng mềm. Đó là hành trang mà sinh viên phải mang theo dù ở bất cứ công việc nào trong xã hội hiện đại này. Đó cũng là chìa khóa để sinh viên có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề. Vì vậy, các bạn cần xác định mục tiêu và thái độ học tập đúng đắn, tích cực và toàn diện ngay từ đầu khóa học.
Với triết lý giáo dục “Chất lượng – phát triển bền vững – hội nhập”, Trường Đại học FBU chú trọng việc bồi dưỡng cho sinh viên kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời đề cao tinh thần tìm tòi, nghiên cứu và học tập ở sinh viên để học tập suốt đời. Điều này sẽ giúp sinh viên cải thiện bản thân, phát triển tiềm năng sáng tạo và kỹ năng hội nhập để thích ứng với sự phát triển của công nghệ trong thời đại mới, thích ứng với yêu cầu của vị trí việc làm và yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh chọn ngành, chọn nghề và định hướng học tập sau khi đã trở thành sinh viên, để cuối cùng sau khi ra trường bạn sẽ có một công việc như ý.