Hội nghị đối thoại các bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hoà giải và đề xuất hoàn thiện pháp luật
Ngày 12/8/2023, tại Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, TS. Trương Hồng Hải – Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội (FBU) và TS. Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) đã đồng chủ trì Hội nghị đối thoại với chủ đề “Các bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hoà giải và đề xuất hoàn thiện pháp luật”, Hội nghị được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021- 2025 Bộ Tư pháp.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có TS. Trần Minh Sơn – Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp); TS. Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế; PGS.TSKH Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội; đại diện các đơn vị thuộc Trường; các trọng tài viên của PACC; các giảng viên của Viện Pháp luật Kinh tế. Hội nghị còn có sự hiện diện của đại diện một số Doanh nghiệp, Công ty Luật tại Hà Nội như: Công ty cổ phần Tadco, Công ty Luật TNHH AEC, Công ty Luật TNHH Hồng Phú, Công ty Luật TNHH Tường Khang, Công ty Luật TNHH MTV Phúc Vinh; đại diện Bộ môn Luật Kinh tế Học Viện Tài Chính; Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Hòa Bình và các sinh viên ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.
TS. Trương Hồng Hải – Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trương Hồng Hải – Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế nhận định kể từ khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được ban hành và có hiệu lực cho tới nay, số lượng trung tâm trọng tài cũng như số lượng trọng tài viên ở Việt Nam đã tăng đáng kể, điều đó góp phần đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã dần bộc lộ một số bất cập cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng pháp luật, qua đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện. Bên cạnh đó, TS. Trương Hồng Hải cũng khẳng định, về phía Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội và Viện Pháp luật Kinh tế, Hội nghị lần này có ý nghĩa là “cơ hội tốt để Viện Pháp luật kinh tế và nhà trường rà soát, hoàn thiện nội dung chương trình giảng dạy các học phần, góp phần nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo có liên quan”.
PGS.TSKH Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội
phát biểu tại Hội nghị
Nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị, PGS.TSKH Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đặc biệt lưu ý: “Hội nghị chính là cơ hội để sinh viên toàn trường và sinh viên Viện Pháp luật Kinh tế nói riêng học hỏi kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu, tìm tòi, suy luận để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập, nghiên cứu khoa học và công tác sau này”.
TS. Nguyễn Hồng Thái – Phó Chủ tịch PACC phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Thái – Phó Chủ tịch PACC chia sẻ, theo thống kê sơ bộ, trong 10 năm (2011 – 2020), các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được khoảng 2.900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn, tuy nhiên chủ yếu vẫn xuất phát từ các giao dịch mua bán hàng hóa. Bên cạnh đó, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cũng chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý bởi họ cho rằng, hòa giải không có quy định và cơ chế ràng buộc thi hành đối với các bên”.
Ngoài 04 bài tham luận được đăng ký và trình bày trực tiếp, Hội nghị đã ghi nhận hơn 10 phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và cử tọa. Các bài tham luận và ý kiến đều tập trung phân tích, đi sâu về các quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải. Bên cạnh các vấn đề của pháp luật trọng tài rất được quan tâm như: Tiêu chuẩn trọng tài viên, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, căn cứ hủy phán quyết trọng tài của Tòa án, vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài… Hội nghị cũng ghi nhận những vấn đề nghiên cứu rất cụ thể, mới mẻ và thiết thực như: Thực trạng đảm bảo thực thi phán quyết trọng tài thương mại; Vấn để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử …
Th.S NCS Lưu Thị Tuyết – Khoa Luật, Học viện Chính sách & Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
trình bày tham luận tại Hội nghị
TS. Trần Minh Sơn – Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp) trình bày tham luận tại Hội nghị
Luật sư, NCS. Trương Tiến Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú trình bày tham luận
Th.S Nguyễn Thị Diễn, Viện Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội
trình bày tham luận
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã trực tiếp trao đổi, có ý kiến chia sẻ về thực tiễn công tác, nghiên cứu pháp luật và đa số đại biểu thống nhất rằng để nâng cao tính khả thi của pháp luật về trọng tài và hòa giải thương mại nhất thiết phải hoàn thiện pháp luật, tạo sự thuận lợi cho các bên trong quan hệ tranh chấp cũng như các trung tâm trọng tài và cơ quan liên quan, xây dựng khung pháp lý vững chắc, đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
LS. Đỗ Quốc Quyền – Công ty Luật TNHH MTV Phúc Vinh trao đổi tại Hội nghị
LS. Hoàng Thị Nhàn, Luật sư Đoàn luật sư TP.HN trao đổi tại Hội nghị
SV. Thúy Hồng – Viện Pháp luật Kinh tế chia sẻ tại Hội nghị
Bế mạc Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức, TS. Trương Hồng Hải đánh giá cao chất lượng các báo cáo, tham luận và ý kiến được các đại biểu trình bày. Hội nghị đối thoại về “Các bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải và đề xuất hoàn thiện pháp luật” đã đem đến góc nhìn đa dạng về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, trọng tài viên, luật sư, giảng viên có kinh nghiệm. Các đề xuất, kiến nghị được rút ra từ cuộc thảo luận sẽ được tổng hợp đầy đủ, chọn lọc, tiếp thu, từ đó là cơ sở để tham mưu, góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhằm góp phần nâng cao năng lực hoạt động trong thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng trọng tài thương mại và hoà giải nói riêng, các thiết chế tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại nói chung.
TS. Trương Hồng Hải, TS. Luật sư Nguyễn Hồng Thái cùng các đại biểu, giảng viên và sinh viên tham dự chụp ảnh lưu niệm
Từ các kết quả của Hội nghị, Viện Pháp luật Kinh tế, Trường đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội sẽ chắt lọc, từng bước triển khai, vận dụng trong việc hoàn thiện chương trình đào tạo chuyên ngành Pháp luật kinh tế cũng như tổ chức thực hiện chương trình trong thời gian tới./.
Viện Pháp luật Kinh tế
Trường Đại học Tài Chính – Ngân hàng Hà Nội
Một số hình ảnh khác tại Hội Nghị:
TS. Trương Hồng Hải – Viện trưởng Viện PLKT tặng hoa TS. Nguyễn Hồng Thái và TS. Trần Minh Sơn.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện PLKT và Th.S NCS Lưu Thị Tuyết chụp ảnh lưu niệm
SV Viện PLKT tham dự Hội nghị
SV Khóa 11 Viện Pháp luật Kinh tế