Những người ủng hộ việc học đại học đưa ra thống kê về tỷ lệ những người thành đạt có bằng đại học cao hơn rất nhiều những người không có bằng đại học. Còn những người không ủng hộ việc đi học đại học lại đưa ra các dẫn chứng về những ông chủ, bà chủ thành đạt, nổi tiếng khắp nơi trên thế giới mà không cần không học hết đại học, hoặc hoàn toàn không học đại học. Điều đó khiến bạn băn khoăn không biết có nên lựa chọn con đường học vấn hay không?
Chúng ta chưa thể khẳng định được nhận định nào là đúng, nhận định nào là sai vì vấn đề nào cũng có nhiều cách nhìn khác nhau, và không phải hầu hết những người thành công đều không có bằng đại học. Tuy nhiên hãy thử phân tích xem có nên hay không nên việc học đại học qua một số câu hỏi nhỏ sau đây:
1. Kiến thức đại học có thực sự cần thiết hay không?
Câu trả lời là có! Học đại học là để tạo nền móng, để xác định được đối với ngành nghề của mình bạn cần những gì và phải đi như thế nào. Dù cho những kiến thức trong sách vở có trừu tượng, hàn lâm thì bạn vẫn có thể tiếp thu theo cách của mình vì kiến thức thật sự không vô dụng chỉ do bạn chưa biết áp dụng đúng mà thôi. Xã hội là nơi bạn cọ xát thực tế, cho bạn những bài học kinh nghiệm để thích nghi với sự thay đổi nhưng trường học là nơi cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn. Người ta vẫn nói trường học cho phép bạn học trước rồi mới làm bài kiểm tra, còn trường đời sẽ kiểm tra bạn trước rồi bạn mới rút ra bài học. Thực tế là có những bài học ở trường đời mà chúng ta phải trả “học phí” vô cùng “đắt đỏ” .
2. Học đại học có phải chỉ để lấy bằng?
Câu trả lời là không! Học đại học chỉ trở nên thiếu thực tế khi bạn dồn hết thời gian mình có trong quãng đời sinh viên vào sách vở, trên giảng đường. Bạn còn rất nhiều những vấn đề bổ ích khác ở trường đại học cần phải quan tâm như hoạt động đoàn hội, tham gia các câu lạc bộ, các cuộc thi, sân chơi khoa học, các hoạt động văn thể, ngoại khóa…Một số trường đại học hiện nay rất quan tâm đến những hoạt động như vậy cho sinh viên để năng cao kỹ năng mềm và là môi trường tốt để sinh viên rèn luyện và trải nghiệm. Bạn sẽ có một quãng thanh xuân thực sự đáng nhớ ở môi trường đại học.
3. Học đại học có giúp ích cho nghề nghiệp tương lai?
Câu trả lời là có! Khi xác định nghề nghiệp trong tương lai tức là bạn phải biết rõ công việc đó là gì, nó cần những kiến thức và kỹ năng nào, các kiến thức và kỹ năng đó nên được học tập ở đâu? Từ đó chọn chọn cho mình một môi trường học tập để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thì việc khi ấy bạn có đầy đủ cả điều kiện cần và điều kiện đủ để bước vào đời, vào nghề. Vì thế học Đại học chưa bao giờ là vô ích, bạn nên hiểu rằng tấm bằng đại học có thể không quyết định sự tồn tại của bạn nhưng lại có thể quyết định nơi mà bạn sẽ tồn tại.
4. Học đại học có thu nhập cao nhất?
Câu trả lời là không! Có bằng đại học, bạn sẽ có cơ hội làm việc bằng khối óc, bán tri thức của bạn, sẽ có thu nhập trong suốt cuộc đời cao hơn những người khác cũng chưa hoàn toàn đúng với mọi trường hợp. Tuy nhiên không thể không thừa nhận rằng có bằng đại học bạn luôn được ưu tiên trong mọi buổi tuyển dụng. Sự khác biệt trong cơ hội cho người có bằng đại học thay vì chỉ là một bằng tốt nghiệp THPT là khá đáng kể. Có bằng tốt nghiệp đại học, bạn sẽ mở rộng giới hạn nghề nghiệp và việc làm của mình và ngoài công việc chính của mình, bạn vẫn có cơ hội làm thêm bên ngoài.
5. Không học đại học có thành công không?
Câu trả lời là có! Nhưng thực tế cho thấy những người không học đại học mà vẫn thành công thường họ là thiên tài mà thiên tài thì chỉ chiếm số ít và nếu bạn không phải là một trong số họ thì điều đó hết sức bình thường. Hoặc số khác không phải thiên tài thì đơn giản họ có hậu thuẫn từ gia đình như: nối nghiệp từ bố mẹ, được đầu tư tài chính để kinh doanh và phát triển. Có thể các bạn đã từng nghĩ rằng lượng kiến thức hàng ngày các thầy cô “nhồi nhét” vào đầu chỉ phát huy tác dụng vào mỗi kỳ thi. Vậy có khi nào bạn thắc mắc rằng tại sao giáo trình, sách vở đầy đủ kiến thức nhưng vẫn cần có giảng viên không? đó chính là tầm quan trọng của sự truyền tải tri thức. Những kiến thức đó chỉ có thể học đại học bạn mới có cơ hội tiếp thu và biến nó trở thành hành trang quý báu góp phần làm nên thành công của mình.
Thật ra học đại học giống như việc xây dựng một ngôi nhà, nếu dùng nguyên liệu tốt nhất và được xây bởi những người thợ lành nghề nhất thì ngôi nhà đó dù có trải qua mưa bão vẫn sẽ trường tồn cùng thời gian. Bản thân mỗi chúng ta cũng vậy, dù có vấp ngã hay thất bại thì những gì ta nhận được khi học đại học sẽ phần nào giúp chúng ta có nghị lực và bản lĩnh để đứng dậy và đi tiếp hành trình của mình.
Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng là con đường ngắn nhất và ổn định nhất mà bạn nên chọn.