Tin tức - Sự kiện

06/12/2022

Tọa đàm: Đổi mới chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế

Sáng 26 tháng 11 năm 2022, tại Phòng họp tầng 9, cơ sở đào tạo 31 Dịch Vọng Hậu, Khoa Ngoại Ngữ – Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề Đổi mới chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Buổi tọa đàm có sự tham gia Ban chủ nhiệm khoa cùng toàn thể các cán bộ – giảng viên trong khoa Ngoại Ngữ, và đặc biệt là sự hiện diện của 10 vị đại biểu là đại diện cho các nhà tuyển dụng, đến từ các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức Phi chính phủ và các trường đại học mà khoa đã liên kết và hợp tác trong nhiều năm qua như: Công ty lữ hành Hanoitourist, công ty TNHH dịch thuật và Tư vấn dịch vụ quốc tế Worldlink, tổ chức Phi chính phủ SJ Việt Nam, Công Ty du học Binco, công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Bảo Chung, công ty TNHH Hàng Hải và Thương mại HML, ngân hàng TPBank, đại diện trường Đại học Phenika, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Học viện Tài chính.

Tại buổi Tọa đàm, Phó trưởng khoa phụ trách – Thạc Sĩ Nguyễn Thị Định cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển hội nhập với thế giới, và đặt biệt là trong thời đại công nghệ 4.0, việc đào tạo những cử nhân Ngôn ngữ Anh có chất lượng cao, đáp ứng được đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường. Chính vì lý do đó, Khoa Ngoại Ngữ – Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa Đàm với chủ đề:Đổi mới chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế” nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp, những phản hồi thực tế nhất từ chính các nhà tuyển dụng để từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong chương trình đào tạo.

Phó trưởng khoa phụ trách – Thạc Sĩ Nguyễn Thị Định phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Th.S Phạm Hồng Phượng – Phó trưởng khoa Ngoại ngữ – chủ trì buổi tọa đàm đã cung cấp các chuẩn đầu ra cũng như khung chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng anh Tài chính. Qua đó xin đánh giá từ chính các nhà tuyển dụng về những cựu sinh viên đã từng kiến tập, thực tập và công tác tại cơ quan của các nhà tuyển dụng. Các vị đại biểu đại diện cho nhà tuyển dụng và các cơ quan tổ chức đã đưa ra rất nhiều ý kiến quý báu về điểm mạnh, điểm yếu của sinh viên đã tốt nghiệp, những kỹ năng nghề nghiệp cần có cũng như những yêu cầu chuyên môn mà nhà tuyển dụng mong mỏi.

Th.S Phạm Hồng Phượng – Phó trưởng khoa Ngoại ngữ – chủ trì buổi tọa đàm

Ông Lê Hồng Thái – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist phân tích khái quát về ngành du lịch lữ hành, những kỹ năng cần thiết và kiến thức chuyên môn đối với một nhân viên làm trong ngành du lịch lữ hành. Qua đó đưa ra những định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là học sâu hơn về marketing, du lịch, trau dồi thêm về kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lí tình huống, kỹ năng đàm phán,…

Ông Lê Hồng Thái – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist

Bà Khuất Thị Hằng – Chuyên viên cao cấp đối tác nhân sự ngân hàng TPBank cho biết dưới góc nhìn nhà tuyển dụng là Ngân hàng trong nước nói chung và ngân hàng TP Bank nói riêng thì sinh viên hiện nay tiếp cận công nghệ sớm và năm rõ hơn về công nghệ nhưng khả năng chịu áp lực công việc còn kém, tỷ lệ nhảy việc của sinh viên mới ra trường ngày càng cao. Yêu cầu đối với nguồn lao động không quá quan trọng về bằng cấp, nhưng cần sự nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn cố gắng trau dồi học hỏi thêm về các kỹ năng và nghiệp vụ, có thái độ và tinh thần làm việc tốt.

Bà Khuất Thị Hằng – Chuyên viên cao cấp đối tác nhân sự ngân hàng TPBank

Bà Hà Thị Ánh – Giám đốc công ty TNHH dịch thuật và Tư vấn dịch vụ quốc tế Worldlink – đơn vị đối tác nhiều năm qua của khoa nơi mà nhiều sinh viên đã tham gia các hoạt động kiến tập, thực tập cũng như làm việc cho biết “Ngành biên phiên dịch là ngành có yêu cầu khá cao về các kỹ năng thực hành tiếng để có thể đáp ứng được công việc, bên cạnh đó các kỹ năng mềm về công nghệ thông tin cũng vô cùng quan trọng để có thể sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ dịch.

Bà Hà Thị Ánh – Giám đốc công ty TNHH dịch thuật và Tư vấn dịch vụ quốc tế Worldlink

Phí Thị Minh Trâm – Giám đốc công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Bảo Chung

Bà Lê Thanh Hiền – Giám đốc công ty TNHH Hàng Hải và Thương mại HML

Ông Dương Hồng Quân – Trưởng bộ môn thực hành tiếng Anh- trường Đại học Phenika

Các vị đại biểu từ các công ty, doanh nghiệp và các giảng viên từ các trường đại học đã đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp hữu ích về chương trình đào tạo cũng như đối sánh giữa các trường. Ban chủ nhiệm Khoa ghi nhận những ý kiến quý báu đó và sẽ có những điều chỉnh phù hợp vào chương trình đào tạo đảm bảo chuẩn đầu ra có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Lưu niệm giữa Khoa Ngoại ngữ và các vị đại biểu tại buổi Tọa đàm

Hợp tác và đồng hành cùng sinh viên

Các tin liên quan