Đỗ đại học là thành quả, là trái ngọt sau một quá trình dài miệt mài đèn sách của các bạn sinh viên và bạn hoàn toàn có quyền tự hào về bản thân mình. Nhưng đại học đâu phải là đích đến của cuộc đời con người.
Trước mắt chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài cần phấn đấu và nỗ lực. Vậy học đại học để làm gì? Các bạn đã tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi này chưa?
Để có 1 tấm bằng đại học đẹp
Ở những nơi làm việc như các cơ quan nhà nước, cùng một vị trí như nhau, số năm kinh nghiệm như nhau thì những người có bằng cấp cao hơn sẽ được hưởng mức lương cao hơn.
Đối với những sinh viên mới ra trường, khi mà kinh nghiệm làm việc chưa có nhiều, chưa có gì để chứng minh năng lực làm việc thì một tấm bằng đại học sáng sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng hơn.
Nếu bạn may mắn có anh chị hoặc cha mẹ thành công trên các lĩnh vực của họ và họ dẫn dắt hướng đường cho con em đi theo sự thành công ấy từ đó giúp quá trình tìm tòi khám phá được rút ngắn thì trong trường hợp này, điều bạn cần làm là phấn đấu lấy được một tấm bằng tốt nghiệp với bảng điểm thật đẹp. Đó là minh chứng cho sự đầu tư học tập nghiêm túc của bạn suốt 4 năm đại học.
Trang bị kiến thức vững vàng
Học Đại học giúp bạn có một môi trường học tập chuyên nghiệp với những thầy cô giảng viên đa phần từ bậc Thạc sĩ trở lên. Kiến thức từ chương trình đào tạo được chuyên sâu hơn, và đặc biệt bạn sẽ phải hiểu nội dung những kiến thức được truyền đạt từ giảng viên cũng như đọc thêm từ các sách giáo trình thì mới có thể vượt qua kì thi kết thúc học phần.
Điều này hoàn toàn khác so với những gì bạn được trải nghiệm trong môi trường phổ thông khi mà các kiến thức bạn được học đa phần vẫn chưa chuyên sâu, còn nằm ở “lớp vỏ ngoài” của kiến thức. Hơn nữa, nếu bạn có phương pháp học tập hiệu quả thì chắc hẳn những kiến thức bạn dung nạp sẽ giúp bạn hoàn thành tốt cho công việc tương lai, mặc dù không phải là tất cả.
Trải nghiệm môi trường mới cực kỳ năng động
Nếu bạn là một người thụ động, ngại tiếp xúc với mọi người thì chắc hẳn khi bước vào cánh cửa Đại học, bạn sẽ trở thành một con người khác. Bên cạnh việc học, hoạt động Đoàn – Hội từ các CLB/Đội/Nhóm, Ban chuyên môn,… không những giúp bạn củng cố, thực hành những kiến thức đã học trên giảng đường mà còn rèn luyện nhiều kỹ năng khác mà rất cần thiết cho hầu hết công việc sau này như thuyết trình, khả năng tổ chức, khả năng quản lý thời gian,… thông qua các hoạt động tổ chức hội thảo, sự kiện, các chương trình học thuật lẫn phong trào cấp trường và cấp thành phố,…
Nếu bạn thích ứng tốt với môi trường này, bạn sẽ trở nên năng động, tự tin và nhận ra con người nằm sâu trong tâm hồn bạn. Nếu không, cũng đừng lo lắng, hãy tìm gặp các giảng viên cũng như những anh chị các khóa trước để được tư vấn. Họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn!
Đánh thức con người ẩn sâu trong bạn
Mọi thứ sẽ trở nên hoàn toàn mới mẻ khi bạn bước vào giảng đường Đại học. Đó không chỉ là môi trường học hoàn toàn mới lạ, giảng viên mới, bạn bè mới mà còn là sự thay đổi về tinh thần, cuộc sống mới,… Nếu bạn thích ứng tốt, bạn sẽ đánh thức được con người thật sự ẩn sâu trong tâm hồn bạn.
Một con người tự tin, tự lập với tất cả mọi thứ. Bạn hãy ước tính xem trong 1 tháng cha mẹ bạn trợ cấp bao nhiêu, và rồi bạn có thể giảm mức trợ cấp này mà vẫn có thể đáp ứng được mọi nhu cầu thiết yếu mà còn có thể tiết kiệm được nữa không?
Nếu làm được, hãy tin tôi đi, bạn đã trưởng thành rồi đấy!
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Khi môi trường thay đổi, xa cha mẹ, người thân, bạn dễ dàng bị “sốc tâm lý” từ sự nhớ nhà da diết, cô đơn khi không còn người thân bên cạnh,… Hãy chuẩn bị thật kỹ những cách giải quyết với những cú “sốc tâm lý” này.
Hãy vượt qua nó rồi bạn sẽ tìm được con người thật sự tồn tại trong tâm hồn của bạn. Dù bạn có quyết định bước vào cánh cửa Đại học hay không thì vẫn luôn nhớ rằng Đại học không phải là con đường nhanh nhất đưa bạn đến thành công. Nhưng không học là con đường nhanh nhất dẫn bạn vào ngõ cụt không lối thoát.