Xuất thân là một sinh viên học QTKD, tôi có những trải nghiệm không tốt mà dù có hối tiếc thì nó cũng xảy ra, có lẽ các ngành khác như cơ khí , anh văn… học bài bản từ nhà trường cũng khá tốt nhưng tôi đánh giá những kiến thức như QTKD, Marketing quá khô khan mà đại học Việt Nam đem lại chỉ làm tốn thời gian của sinh viên.
Có thể có rất nhiều nhưng tôi đúc kết ra 10 lời khuyên cho sinh viên khối ngành Marketing và QTKD, mong các chuyên gia, các bậc tiền bối và các giảng viên đại học thứ tha, dù nó là sự thật đấy, sự thật thì mất lòng.
Cái gì cần học nhất thời sinh viên?
Đúng ra trước khi là sinh viên, bạn nên học làm người trước, ở 12 năm phổ thông không ai dạy trẻ là không được vứt rác ra đường, không được mắc bệnh “tiểu đường”, không được giáo dục giới tính bài bản để rồi Việt Nam đứng hàng đầu Thế giới về tỷ lệ nạo phá thai, học làm người đang bị lãng quên trong mớ phải học ở Việt Nam.
Coi như bạn đạt 12 năm học làm người rồi, giờ sinh viên bạn nên học gì? Tôi nhấn mạnh, tôi chỉ dám chia sẻ bài này cho sinh viên khối ngành kinh tế thôi nhé!
Học Anh văn, đó là thứ quan trọng lắm đấy!
Làm sao mà khi ra trường, hoặc chưa ra trường, đi làm part-time bạn đã có vốn tiếng Anh dồi dào, bạn được điểm cộng rồi đó. Nếu có tiền thì vào trung tâm học, bập bẹ thì xin làm phục vụ cho các nhà hàng quán ăn dành cho Tây, nhiều cách,… Hãy đảm bảo thành tiếng Anh của bạn tốt nhé!
Lo mà đi làm sớm đi!
Tôi không nghĩ rằng giáo viên hay đại học nước ngoài dạy tốt đâu, chẳng qua khi còn là học sinh, giới trẻ đã được huấn luyện một tinh thần tự giác để khi ngồi trên ghế nhà trường, họ vừa học vừa phải làm thực tế, tôi điển hình là Mark Zuckerberg đã làm đủ thứ phần mềm, ứng dụng khi còn là sinh viên khoa học máy tính của Harvard.
Tôi nghĩ năm 1, năm 2 bạn có thể làm bồi bàn, dạy kèm, làm thêm cái gì đó nhẹ nhàng để hiểu được giá trị của đồng tiền và hiểu được đôi chút về khái niệm công việc : cực khổ, giờ giấc, kiên nhẫn,…
Từ năm 3 trở đi hãy lo mà kiếm công ty nào đó cộng tác hoặc xin làm đi, không làm full-time được thì làm và nhận lương trên hiệu quả công việc. Giờ thiếu gì công ty không cần bằng cấp, VHT của tôi cũng vậy!
Có người bạn hỏi tôi rằng nếu tôi là sinh viên, tôi không có bằng cấp thì sao? Tôi đáp : “tôi sẽ chứng minh bằng năng lực”.
Bạn nghĩ đi, năm 3 bạn đã là sales executive của một cửa hàng, một công ty nào đó, hai năm sau bạn ra trường bạn có còn cọc cạch vị trí này nữa không? Nếu còn thì bạn thuộc dạng không thông minh, không sao đâu mỗi người một sở trường, có điều là bạn đang chọn sai ngành nghề thôi vì bạn đi học tài chính hay kế toán hay kỹ sư hợp hơn. Kinh doanh cần một chút tố chất.
Thông qua Vietnamworks, Kiemviec, các trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc Google, kiếm cho mình công ty để trải nghiệm từ khi còn là sinh viên năm 3 cho mình nhé!
Khiêm nhường là đức tính tốt
Tôi gặp khá nhiều bạn trẻ rất trẻ, có thu nhập cao, có công việc rất tốt, có lẽ vì họ làm tốt hai yếu tố trên để rồi họ tự phụ quá sớm và ngủ quên trên chiến thắng.
Những bạn này thường có đặc điểm :
– Không thèm nghe hoặc nghe rất qua loa những vì của đối phương, người đang ngồi trước mặt mình
– Thường định kiến và hướng đối phương đi theo sở thích cá nhân của mình
– Thích kết bạn, mở rộng mối quan hệ nhưng thường không biết cách duy trì mối quan hệ đó, một trục trặc nhỏ xảy ra cũng dễ làm mối quan hệ đó đổ vỡ vì họ nghĩ “mình còn nhiều bạn mà!”
– Họ thích thao thao bất tuyệt về thành tích của mình nhưng ít khi lắng nghe, thật tai hại quá vì đối phương nào cũng thích bạn hỏi “thế mạnh của bạn là gì, bạn tâm đắc gì nhất, bạn có sản phẩm hay ý tưởng nào thành công nhất…” đại loại là tán dương đối phương đi nhưng tiếc là các bạn chỉ “tôi đã từng thành công thế này, tôi từng làm thế kia…”
– Có thể bạn thấy đối phương chưa đủ tầm, chưa có gì cho bạn học hỏi, chả có gì hấp dẫn hay thành công hơn bạn, tôi khuyên bạn có tự phụ hãy tự phụ trong lòng đi, tự nhủ “ừ mình hơn nó gấp bội” nhưng đừng nói ra, khiêm nhường là đức tính tốt, nhất là dành cho những người thành công sớm.
Học không ngừng
Bạn làm marketing bạn có dám khẳng định biết hết khái niệm về marketing? Có bạn nào biết home-loading trong marketing là gì không? Sampling là gì? Hoặc là SEO là gì? Webservice là gì? Gamification là gì? Có thể có người sẽ trả lời “tôi biết hết!”, vậy bạn đó quá giỏi không cần đọc bài này nữa.
Còn bạn nào tự nhận thấy “chưa” thì chỉ cần nhớ dùm tôi một điều : Học không ngừng! Không bao giờ bạn dám nói không còn gì để bạn học.
Thành thật
Thành thật với đối tác, khách hàng, đồng nghiệp và chính mình.
Một hôm sếp bước vào công ty vào nói “Hôm qua anh chị làm rất tốt”, ai cũng nghĩ sếp nói mình, sếp mà nói “tại sao các anh chị đần thế!” thì ai cũng sẽ nghĩ “thằng đần kia kìa” chứ không phải mình.
Hãy thành thật đi các bạn trẻ, đần hay tốt, tự bạn biết chính bạn.
Và lỡ bạn làm cháy bóng đèn trong WC của công ty, bạn lỡ làm mất cây kéo… đã bao giờ bạn tự nhận chưa hay chối quanh, hét toáng lên ai đã lấy đồ của bạn? Hãy thú nhận, sẽ được đánh gia cao hơn cho sự thành thật đó bạn ạ!
Sống có mục tiêu
Tại sao tôi làm vậy? Vì tôi thấy ở các trường đại học tôi đã ghé thăm hầu hết đều vì gia đình ép đi học, thấy bạn đi học thì mình cũng đi học, thấy báo chí tivi nói nhiều về ngành này là xu hướng là tương lai nên học.
Tự hỏi lại chính mình đi và sau đó hỏi tiếp 1 năm, 3 năm, 5 năm nữa bạn sẽ đi về đâu.
Làm chủ hay làm thuê
Làm lính công ty lớn hay làm chủ công ty nhỏ xíu của chính mình?
Tôi không phải vĩ nhân trong ngành thương mại hay mobile marketing gì cả, công ty tôi bé xíu, đã có nhiều lần tôi suy nghĩ thôi qua các công ty worldwide làm việc đi cho nó bài bản lại thu nhập cao, sống thượng lưu nhưng với tính cách của tôi, tôi thích làm gì tôi nghĩ, tôi mà đi làm thuê tôi sẽ mất đi sự sáng tạo tự do của mình. Thế là tôi nuôi công ty bé nhỏ này đến khi nó không cần tôi vẫn chạy tốt.
Có những người không dám đương đầu với thử thách, họ có thể là chuyên gia trong lĩnh vực của họ nhưng ra làm chủ bạn phải quán xuyến nhân sự, hành chánh, tài chính,… thậm chí khách hàng đến bạn cũng phải rót nước, nền nhà công ty có rác, bạn quét hoặc chị lao công quét, ít nhân viên nào quét.
Bạn thuộc type người nào?
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Cũng không hẳn là thương hiệu cá nhân gì ghê gớm, mà là một sự nhận diện của mọi người về bạn. Đơn giản là bạn tạo nên một profile của bạn trên các công cụ Internet, các mạng xã hội, thậm chí là namecard chẳng với chức danh gì cả nhưng chỉ là cách để người khác liên lạc với bạn dễ hơn thôi.
Bạn nên thống nhất chung một tên gọi / nick name từ yahoo, google, skype cho tới các mạng xã hội,… tất tần tật đều chung một nick, một profile như nhau.
Bạn hợp với mạng gì trong ngũ hành, bạn nên chọn màu nào, mọi thứ liên quan đến bạn nên “ton-sur-ton” đừng nay màu đỏ mai màu xanh,… loạn cào cào, dù bạn chỉ là cá nhân nhưng hãy chăm chút cho mình về sau, nếu bạn là sinh viên có tầm nhìn.
Nói đến đây thật xấu hổ vì các nick của tôi không giống nhau, nhưng vì ngày đó tôi chưa nhận thức được mà chỉ tạo ra theo cảm hứng của thời điểm và không có bài này để đọc, bạn đừng vấp lại sai sót này nhé!
Thời trang sẽ lỗi thời
Chắc bạn không ít lần nghe “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Bạn không có tiền xài Vertu hay chí ít là iPhone4, bạn không có Lexus hay BMW, bạn chỉ mất điểm trong mắt mấy em chân dài bình hoa di động thôi, còn tri kỷ, đối tác, thậm chí là bạn đời sau này của bạn, họ không cần cái đó.
Tôi từng rất hạnh phúc vì tôi từng có người rất quan tâm tới tôi dù khi đó tôi xài cái điện thoại mà vứt ra đường không ai biết nó còn chạy được hay không và không có xe đạp để mà đi.
Đừng chạy theo model, hãy chọn cho mình một phong thái nhất định, ví dụ nhé, bạn luôn là người sở hữu những chiếc áo thun trắng, hay áo thun “cá sấu” với chiếc quần jean bụi bụi và song hành là đôi giày bata, bạn là type người năng động, một số bạn thích formal hơn với quần kaki hay quần tây đi kèm sơmi ngắn tay khỏe khoắn hay sơmi dài tay xăn lên vài nấc. Nếu có thêm vài phụ kiện gì đó đặc trưng nữa như một chiếc đồng hồ hầm hố, một cái lắc tay chắc nịch, một sợi dây chuyền hoặc một món gì đó mà bạn yêu thích, khiến người sẽ nhắc đến khi nhớ về bạn.
Sau cùng, đọc xong thì nên đi thư giãn đi bạn, cuối tuần rồi, học và làm việc thì chả khi nào kết thúc, hãy có cho mình một chế độ nghỉ ngơi thư giãn hợp lý để đầu óc thanh thản, tái tạo năng lượng và sức lao động, như vậy bạn mới có thể sảng khoái bắt đầu ngày mới.
Ghi chú, bài viết này không dành cho những người đã thành công, nếu ai đã thành công xin hãy đọc lại điều 3.
Có một điều hết sức thú vị mà không biết có ai nhận ra không, đó là tiêu đề nói rằng 10 lời khuyên nhưng bạn đếm lại xem, mới chỉ có 9 mà thôi, đây là một bài học hết sức đắt giá : Đừng quá tin vào những gì người khác nói, chỉ đọc và đúc kết thôi, quan điểm của bạn đâu, lập trường của bạn đâu? Coi như đây là lời khuyên thứ 10 vậy!
Chúc các bạn thành công!