Tin tức - Sự kiện

07/07/2022

“Sự thật” về ngành ngôn ngữ Anh mà bạn cần biết

Là ngành học giúp làm chủ ngôn ngữ toàn cầu, Ngôn ngữ Anh từ lâu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các bạn thí sinh khi chọn ngành, chọn trường. Tuy nhiên, cũng chính vì độ “hot” của Ngôn ngữ Anh mà không ít thí sinh chưa thật sự hiểu về ngành này, nên cứ đặt bút chọn ngành khi vẫn còn mơ hồ về những gì mình sẽ học.

Để có thể tự tin lựa chọn và nhất là thành công với ngành Ngôn ngữ Anh, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ 3 “sự thật” quan trọng sau đây trước khi quyết định chọn ngành, bạn nhé!

Ngôn ngữ Anh – không phải là môn Tiếng Anh!

Ngôn ngữ Anh và môn Tiếng Anh ở trường Phổ thông – đây là nhầm lẫn đầu tiên mà rất nhiều thí sinh gặp phải. Không chỉ có đọc đoạn văn, chọn trắc nghiệm và bài tập ngữ pháp như ở phổ thông, ngành Ngôn ngữ Anh ở trình độ Đại học là một thế giới đa dạng hơn rất nhiều và cũng thú vị hơn rất nhiều!

Cụ thể thì với ngành Ngôn ngữ Anh, bạn sẽ được đào tạo toàn diện các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh, đồng thời trang bị kiến thức về văn hóa, xã hội Anh, Mỹ – nền tảng đặc biệt cần thiết để có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo. Bên cạnh đó, bạn cũng được trang bị kiến thức bổ trợ về kinh tế, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu,… và kỹ năng biên dịch, phiên dịch hai chiều (Anh – Việt và Việt – Anh), kỹ năng giao tiếp kinh doanh, kỹ năng thương thuyết – tranh luận, kỹ năng nói trước công chúng,… Nhiều điều để học lắm đấy, không chỉ là tiếng Anh thôi đâu!

Và cũng bởi thế nên ngành Ngôn ngữ Anh ở Đại học không chỉ dành cho các “thánh tiếng Anh” với điểm trung bình cao “đụng trần” ở trường cấp 3. Chỉ cần xác định được rằng bạn yêu thích thứ tiếng này, ham thích học hỏi về văn hóa – xã hội và sẵn sàng chịu “vất vả” khi học thôi!

Học Ngôn ngữ Anh: Chọn môi trường năng động, phát triển kỹ năng mềm

Nếu kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh thành thạo là yêu cầu chung đối với bất kỳ sinh viên Ngôn ngữ Anh nào thì bản lĩnh, kỹ năng mềm và kinh nghiệm (trong hoạt động ngoại khóa lẫn từ công việc) chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt. Cùng với nỗ lực của bản thân thì môi trường đào tạo chắc chắn cũng đóng vai trò đáng kể. Một ngành học mang tính quốc tế như Ngôn ngữ Anh tất yếu đòi hỏi một môi trường hiện đại “xứng tầm”.

Thế nên, khi lựa chọn một trường để theo học ngành Ngôn ngữ Anh, hãy “để mắt” nhiều hơn đến những địa chỉ chú trọng yếu tố thực tiễn – năng động – hội nhập bạn nhé! Những tính chất này có thể tìm thấy trong rất nhiều kiểu hoạt động khác nhau. Chẳng hạn, ở trường Đại học FBU – nơi đào tạo theo định hướng ứng dụng, chú trọng năng lực hội nhập, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ tham gia hoạt động giao lưu quốc tế với sinh viên các trường Đại học đối tác như (Hoa Kỳ), Ngày hội văn hóa Cultural Day, Hùng biện tiếng Anh,… Bên cạnh đó, những hoạt động phong trào cũng là cách sinh viên Ngôn ngữ Anh phát triển kỹ năng mềm, học cách lãnh đạo bản thân để tự tin hơn trước đám đông.

Chọn Ngôn ngữ Anh – học một ngành, tự tin làm nhiều nghề

Một trong những lợi thế quan trọng của ngành Ngôn ngữ Anh là phạm vi nghề nghiệp rộng. Với khả năng tiếng Anh thành thạo cùng kiến thức vững chắc về văn hóa của các quốc gia sử dụng tiếng Anh, sinh viên Ngôn ngữ Anh không chỉ làm công việc giảng dạy tiếng Anh; biên – phiên dịch trong các tòa soạn, cơ quan báo đài, nhà xuất bản; thư ký, trợ lý,… mà còn có thể thử sức trong nhiều lĩnh vực thú vị khác như du lịch, nhân sự, xuất nhập khẩu, truyền thông, marketing,… của các công ty có sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, lợi thế “học một ngành, làm được nhiều nghề” đôi khi cũng “làm khó” sinh viên bởi các bạn thường đứng trước quá nhiều lựa chọn. Và để biết mình thật sự phù hợp với lĩnh vực nào, một lần nữa hãy “dựa vào” môi trường đào tạo – có giúp bạn trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau không! Như ở FBU, cùng với các hoạt động giao lưu quốc tế thì các chương trình hội thảo, tọa đàm với các phiên dịch viên giàu kinh nghiệm, các dịch giả uy tín hay ngày hội kết nối doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau chính là môi trường giúp sinh viên dễ dàng nhận ra thế mạnh của bản thân, qua đó “thử lửa” đam mê, sẵn sàng với công việc thực tế. Và như thế thì chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn để “phiêu” cùng ngành học yêu thích của mình rồi!

Các tin liên quan